Tin tức - sự kiện

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÂY DỰNG THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÂY DỰNG THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC
content:

Nhằm quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, ngày 16/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

 

 

 

Nghị định 61/2023/NĐ-CP thay thế Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Nghị định này quy định về: Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước; Soạn thảo, thông qua, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc tạm ngừng thực hiện, bãi bỏ hương ước, quy ước; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

So với Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có một số điểm mới. Nghị định đã bỏ 02 nguyên tắc “Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảm đảm bình đẳng giới” và “Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất” vì các nguyên tắc đã được thể hiện trong khái niệm hương ước, quy ước “không trái pháp luật và đạo đức xã hội”. Đồng thời, bổ sung các nguyên tắc: tôn trọng tính tự chủ, đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tình trạng nội dung hương ước, quy ước chứa đựng quá nhiều nội dung không xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng dân cư, quy định lại pháp luật thời gian vừa qua.

Nghị định quy định cụ thể hơn về phạm vi nội dung của hương ước, quy ước theo hướng khung tại Điều 5 và bổ sung quy định về khung kết cấu của hương ước, quy ước tại Điều 6. Theo đó, tùy theo yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, bảo đảm kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp của hương ước, quy ước đã có và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, cộng đồng dân cư lựa chọn một hoặc một số nội dung để đưa vào phạm vi của hương ước, quy ước.

Về trình tự, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và thẩm quyền công nhận hương ước, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP bổ sung, điều chỉnh quy định về đề xuất soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng mở rộng đối tượng, hình thức để cộng đồng dân cư phát huy dân chủ ở cơ sở trong đề xuất, soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua hương ước, quy ước.

Thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước là UBND cấp xã (trước đây là UBND cấp huyện), đồng thời bổ sung, làm rõ trình tự, thủ tục công nhận, hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước để phù hợp với quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Việc tạm ngừng thực hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ hương ước, quy ước được quy định theo hướng phân định rõ trường hợp hương ước, quy ước chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung hoặc trình tự thủ tục thông qua, công nhận thì UBND cấp xã quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc tạm ngừng thực hiện, bãi bỏ; trường hợp cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thì thực hiện các trình tự, thủ tục chặt chẽ, rõ trách nhiệm để phù hợp với quy định tại Điều 22 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về thực hiện hương ước, quy ước, bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp đến xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn để khắc phục việc quy định thực hiện hương ước, quy ước sau khi được công nhận còn nặng về phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát mà thiếu tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm của từng chủ thể tham gia. Đặc biệt bổ sung quy định hằng năm, vào dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18 tháng 11) hoặc một ngày quan trọng được cộng đồng dân cư thống nhất, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư tổ chức cuộc họp hoặc lồng ghép trong hội nghị của cộng đồng dân cư để rà soát nội dung, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế trong việc thực hiện hương ước, quy ước, kịp thời khen thưởng, động viên, đôn đốc, nhắc nhở hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư và đề xuất tạm ngừng, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ hương ước, quy ước.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định các nội dung về thống kê, báo cáo về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, kinh phí xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó, bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí cho cộng đồng dân cư trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước từ nguồn ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện ngân sách ở địa phương theo quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của các địa phương.
Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2023.

Nhằm xác định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ triển khai công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Nâng cao nhận thức đối với công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương  ước, quy ước. Thành phố Vinh đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 28/03/2024 về việc quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Vinh với những nội dung chính:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Triển khai công tác chuyên môn liên quan đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương.

Theo đó, giao nhiệm vụ cho các phòng, ngành, đơn vị và UBND các phường, xã thực hiện đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Đồng thời, tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư; phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư./.