- content:
*Xuất xứ tên gọi:
Vùng đất Cửa Nam hiện nay đã có từ lâu đời, đó là địa thế hết sức quan trọng của Nghệ An qua các thời kỳ và luôn là nơi trung tâm trong con mắt của các nhà chiến lược xưa đối với việc bình định, cai trị vùng Nghệ An. Có thể vùng đất này được chọn làm lỵ sở của trấn có thể không nhưng không một nhà cầm quân nào không quan tâm đến vị trí chiến lược của nó.
Theo các tài liệu cũ, trước khi Vinh trở thành một đô thị (1899), vùng đất Cửa Nam hiện nay thuộc xã Yên Trường, tổng Ngô Trường, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (thời vua Gia Long). Năm 1822, phủ Đức Quang đổi thành Đức Thọ, huyện Chân Lộc cũng đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Trước thế kỷ XV, Chân Lộc được gọi là Tân Phúc, thời thuộc Minh (1407- 1426) đổi làm huyện Chân Phúc, đến thời Tây Sơn lại đổi làm huyện Chân Lộc. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) huyện Chân Lộc thuộc phủ Anh Sơn. Đến năm 1889 (năm Thành Thái thứ nhất) đổi huyện Chân Lộc thành Nghệ An. Trong các cuộc chạm trán giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn từ 1527-1786, nơi đây là bãi chiến trường, rất rất nhiều tướng nhà Trịnh đóng quân ở đây để chống quân Nguyễn.
Cuối năm 1788, Quang Trung dẫn đoàn binh thần tốc ra Bắc tiêu diệt quân Thanh, quân đội Tây Sơn nghỉ lại tuyển quân và tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để biểu dương khí thế. Thời điểm đó, với nhãn quan nhạy bén của mình, ông vua áo vải đã nhìn thấy được địa thế trung tâm thiên hạ có thể đóng đô đã nhiều lần xuống chiếu đề nghị La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn vùng Vĩnh Yên và Yên Trường để xây thành định đô. Tuy nhiên, ý định của vua Quang Trung không thành vì ông đột ngột mất. Chính vì vậy, trước khi nhập vào Vinh thì Yên Trường có vai trò là một đồn binh trấn thủ, là cửa ngõ bảo vệ cho thành Nghệ An ở phía Đông.
Từ năm 1804 trở về sau, Yên Trường xưa ngày càng được coi trọng. Sách Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, chính biên Đệ Tam kỷ (1844- 1845) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có nói đến việc vua Gia Long xuống chiếu cho tả quân Lê Văn Duyệt tiến hành việc xây thành, đắp luỹ ở Vĩnh Yên và Yên Trường, huyện Chân Lộc. Từ đây, lịch sử của vùng Yên Trường mang sắc thái mới. Yên Trường và nhiều vùng mới là tiền thân của đô thị Vinh, trung tâm của thủ phủ Vinh.
Vùng đất Yên Trường ngày xưa còn có tên gọi nôm là “kẻ Vĩnh” (kẻ là tên gọi xã ngày xưa của 4 của xạ người Việt). Vì vậy, các tên gọi ở khu vực này thường có chữ “Vĩnh”, như: chợ Vĩnh, Thành Vĩnh (hay Vĩnh Thành). Khi thực dân Pháp hoàn thành công cuộc chinh phục và thiết lập bộ máy cai trị ở Nghệ An thì trong các văn bản của người Pháp, chữ Vĩnh được phiên âm theo chữ quốc ngữ, đọc theo được ra đời trong hoàn cảnh đó. Những cứ liệu lịch sử cho thấy, vùng đất Cửa Nam ngày nay gắn liền với bối cảnh lịch sử của sự xuất hiện thành cổ Vinh cũng như tên gọi Vinh. Vinh từ khi xuất hiện đã trở nên thân thuộc, thành niềm tự hào của người dân xứ Nghệ nói chung và người thành Vinh nói riêng. Nói đến Vinh là nói đến một nơi có bề dày văn hoá của một đô thị tiềm năng. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, Vinh mới chính thức ra đời với tư cách một đô thị hiện đại, nhưng vùng đất này, từ năm Giáp Tý (1804) đã chính thức trở thành trung tâm kinh tế chính trị của vùng. Có thể khẳng định, Yên Trường ngày xưa và Cửa Nam ngày nay đã là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng của Nghệ An từ đầu thế kỷ XIX.
Sau khi hoàn tất việc xâm chiếm Nghệ An (tháng 7 năm 1885), thực dân Pháp tiến hành thành lập các đơn vị hành chính mới. Chúng thành lập thị xã Vinh (tháng 7- 1899) theo đạo dụ của vua hành Thái và Nghị định của toàn quyền Đông Dương Pôn-đu-me (Paul Doumer) cùng một lúc với các đô thị khác như Thanh Hoá, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết. Thời gian sau đó, thành lập thêm hai thị xã nữa đó là thị xã Bến Thuỷ (tháng 2-1914), thị xã Trường Thi (tháng 8-1917). Cả 3 thị xã này, về mặt địa giới không có mấy thay đổi so với Kẻ Vĩnh ngày trước, tức là nằm trên đất của 2 xã Vĩnh Yên và Yên Trường với trung tâm là Thành cổ Vinh. Ngày 10-12-1927, toàn quyền Đông Dương Mông-ghi- giỗ ban hành nghị định hợp nhất 3 Thị xã Vinh, Bến Thuỷ và Trường Thi thành Thị xã Vinh Bến Thuỷ. Ngày 18-01-1930, toàn quyền Đông Dương Pat-x-puy-ê (Paspuier) ra nghị định mở rộng thành phố, chia Vinh - Bến Thuỷ thành 10 khu phố có tên gọi thứ tự từ Đệ Nhất đến Đệ Thập.
Trước cách mạng tháng Tám, Cửa Nam có tên gọi là phố Đệ Nhị (còn có tên gọi là Cống Đệ Nhị. Vì toàn Thành phố lúc bấy giờ có 10 ống cống thoát nước). So với các khu phố khác như Đệ Cửu, Đệ Thập... thì phố Đệ Nhị có sự phát triển hơn, mang dáng dấp của đô thị hơn, bởi vì đó là trung tâm của đô thị Vinh trước đó. Cũng giống như các khu phố khác trong Thành phố, phố Đệ Nhị chịu sự quản lý rất chặt chẽ của chính quyền thực dân với những quy định, luật lệ rõ ràng. Những người trong bộ máy của chúng tuyệt đối không được làm trái với quy định. Đúng đầu mỗi phố có chức danh phố 1 trưởng, có quyền hạn và điều hành công việc như lý trưởng ở nông thôn. Ở dưới phố trưởng có 3, hoặc 4 chức dịch trông coi các công việc khác nhau như trị an, sinh, tử, thuế khoá, tài chính, giao thông... Đời sống của nhân dân dưới ách cai trị của thực dân Pháp nghèo khổ, túng bấn, phải tìm đủ mọi cách để kiếm sống, chế độ thuế khoá ngặt nghèo.
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công Thị xã Vinh- Bến Thuỷ được tổ chức lại và chia làm thành 5 khu phố theo tên gọi thứ tự từ I đến V. Lúc này địa bàn Cửa Nam thuộc Khu phố II. Việc chia lại về hành chính của Vinh- Bến Thuỷ từ 10 xuống 5 khu phố theo Sắc lệnh số 2/SL ngày 24-01-1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Đến năm 1979, Khu phố II được chia thành 2 tiểu khu: tiểu khu Cầu Đước và tiểu khu Cửa Nam do địa bàn kéo dài, công tác quản lý hành chính khó. Năm 1981, 2 tiểu khu lại được sáp nhập để thành lập phường Cửa Nam theo Quyết định số 110-QĐ/UB ngày 18/6/1982 của UBND Thành phố Vinh, Cửa Nam trở thành một đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc Thành phố Vinh.
Về mặt tên gọi, cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói về nguồn gốc, xuất xứ của tên gọi Cửa Nam. Tên gọi Cửa Nam gắn liền với việc ra đời của các phường đầu tiên của Thành phố Vinh. Lúc bấy giờ, Thành phố Vinh có các phường: Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông. Đây là lối định danh theo hướng địa bàn. Giờ đây, khi nhắc tới Cửa Nam, người ta biết đến một vùng đất mang nhiều dấu tích văn hoá, giàu truyền thống lịch sử và có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của Thành phố.
(Bài viết Nguồn gốc tên gọi được trích từ Mục III từ Trang Tr.19-Tr.24 của Cuốn tài liệu “ Lịch sử phường Cửa Nam – Thành phố Vinh T/2007 do tác giả: Nguyễn Văn Chiến biên soạn”
* Phường Cửa Nam hình thành và phát triển:
Sau hơn 40 hình thành và phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, địa bàn là trung tâm hoạt động tôn giáo (đạo Công giáo, đạo Phật), được sự quan tâm của các ban ngành cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Cửa Nam nỗ lực phấn đấu và gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả mọi lĩnh vực.
Đảng ủy phường Cửa Nam đã xây dựng nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn một cách toàn diện. Bên cạnh đó, chỉ đạo khai thác và phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt tập trung phát triển ngành nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Khuyến khích mở mang du nhập ngành nghề mới nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm và tăng cường xuất khẩu lao động để nâng cao mức sống của người dân. Nhờ vậy, hàng năm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng khá.
Nhiều khu vực trên địa bàn hình thành các cụm công nghiệp nhỏ. Phố nghề, phố chuyên doanh hoạt động có hiệu quả, nhiều sản phẩm và lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào, đa dạng, phong phú. Đặc biệt, trong thời gian qua phường đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển phố nghề, phố chuyên doanh và thực hiện các đề án của thành phố về tổ chức và đổi mới HTX, xây dựng phố ẩm thực đêm.
Công tác quản lý đô thị, đất đai và xây dựng cơ bản được Đảng ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù trên địa bàn phường có Thành cổ Vinh gồm 3 khối dân cư, các cơ quan và nhiều khu tập thể với gần 700 hộ dân sinh sống. Công viên Thành cổ đã được quy hoạch nhiều năm nay nhưng chưa được thực hiện được do có nhiều vướng mắc và hiện đang điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Các biện pháp quản lý về đô thị, đất đai, xây dựng cơ bản, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị được tăng cường có hiệu quả và tiến bộ. Các vụ việc vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất đai được tập trung giải quyết kịp thời, việc giao đất và cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy định. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đạt kết quả khá.
Song song với phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội phường Cửa Nam cũng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo được bước chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của nhân dân. Công tác y tế, dân số, gia đình trẻ em, xóa đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ. Phường đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Các chính sách xã hội được Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, phường đã lãnh đạo các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội lập dự án vay vốn từ ngân hàng chính sách cho hàng trăm lượt người vay đầy tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, phường đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Phong trào xây dựng đường ngõ phố xanh – sạch – đẹp được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đến nay có 74 ngõ được công nhận ngõ phố văn minh.
Trên địa bàn phường có Nhà thờ Cầu Rầm và chùa Cần Linh là 2 địa điểm hoạt động tôn giáo. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về tôn giáo. Vận động đồng bào có đạo làm tốt nghĩa vụ công dân, tranh thủ được các chức sắc trong tôn giáo, được thành phố công nhận là đơn vị điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh vùng giáo.
Bên cạnh lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng đặc biệt được quan tâm. Đảng ủy phường Cửa Nam đã triển khai quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương. Triển khai thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhờ vậy nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân có bước chuyển biến tích cực.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới Đảng ủy, chính quyền phường Cửa Nam tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, huy động tối đa sức mạnh tập thể, tập trung phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, hướng tới xây dựng phường ngày càng giàu mạnh, văn minh.