Người dân cần hiểu đúng các quy định về cho phép sử dụng pháo hoa để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra!!!

Người dân cần hiểu đúng các quy định về cho phép sử dụng pháo hoa để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra!!!
content:

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 có quy định mới cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân khi tiếp cận thông tin liên quan đến Nghị định 137 đã hiểu chưa đúng các quy định về cho phép sử dụng pháo hoa, dẫn đến những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ-CP là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Nghị định nghiêm cấm việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ, trước hết người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Nếu người dân sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng  sản xuất được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 137. Trường hợp mua, sử dụng pháo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2001/NĐ-CP. Trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa có tiếng nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo; trong đó, quy định cụ thể hơn đối với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo gồm:

+ Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

+ Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

+ Nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

+ Nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
+ Nghiêm cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
+ Nghiêm cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

+ Nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

+ Nghiêm cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Chào xuân mới Ất Tỵ 2025, mỗi người dân chúng ta cần thực hiện tốt các nội dung sau:

+ Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ và pháo hoa nổ. Không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thực hiện nghiêm túc Nghị định 137/2020/NĐ-CP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

+ Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hãy báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là góp phần đảm bảo trật tự An toàn xã hội, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.

                                              Hoàng Thị Nguyên - Công chức VHXH

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính Phường

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Hiện có: 3053
Tổng: 1999014